XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU VÀ CÔNG CỤ CHO VIỆC ĐÁNH GIÁ VÀ XÁC ĐỊNH NGUỒN GỐC MỘT SỐ LOẠI TRÀ SẢN XUẤT TẠI VIỆT NAM

Nhu cầu cần biết rõ về chất lượng và xuất xứ sản phẩm trong xã hội rất cao, nhưng người tiêu dùng thông thường hoặc các doanh nghiệp phần lớn không đủ chuyên môn hoặc dữ liệu để nắm rõ các thông tin này. Mặc dù các công ty sản xuất đều có bộ phận kiểm định chất lượng nhưng nó chỉ mang tính nội bộ và chỉ tập trung một số khía cạnh mà doanh nghiệp quan tâm, do vậy người tiêu dùng thường chỉ dựa vào uy tín doanh nghiệp để sử dụng sản phẩm hoặc tin theo các thông tin truyền miệng hoặc trên mạng xã hội.

Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành nông nghiệp đang dần được cơ giới hóa và tin học hóa trong quản lý. Điều này giúp giá sản phẩm tăng gấp 2-3 lần so với những sản phẩm thông thường cùng loại, tuy nhiên người tiêu dùng vẫn còn hoài nghi về giá trị do không đủ thông tin về chất lượng sản phẩm họ đang dùng. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm (iCheck, Traceverified, tem chống hàng giả của Bộ Công An, VinaCheck, Xacthuc, Daithanh, …) giúp khách hàng nhận diện sản phẩm không chính hãng. Tuy nhiên, khách hàng vẫn chưa đủ thông tin để biết được liệu sản phẩm chính hãng kia có đạt chất lượng an toàn theo các tiêu chuẩn hay không và khách hàng cũng không đủ chuyên môn để hiểu rõ các chỉ số đó, do vậy họ cần có kênh thứ ba giúp thực hiện vấn đề này.

Với mong muốn trà Việt sẽ được thông tin chính thức một cách khoa học trên cộng đồng cũng như góp phần làm minh bạch giá trị trà tại Việt Nam và trên thế giới, nhóm nghiên cứu của TS. Trần Thị Như Trang đang thực hiện dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu và công cụ cho việc đánh giá và xác định nguồn gốc một số loại trà sản xuất tại Việt Nam” gồm 5 hợp phần nghiên cứu chính đã đăng ký Nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ tại Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Nội dung nghiên cứu sẽ xoay quanh việc xác định nội chất của trà về các nguyên tố vô cơ, các hợp chất polyphenol và đặc tính chống oxy hóa của các loại trà khác nhau tại Việt Nam. Dự kiến khoảng 600 mẫu trà các loại từ Bắc vào Nam sẽ được thu thập và phân tích và từ các dữ kiện thu được sẽ sử dụng phương pháp phân tích dữ liệu đa biến để đưa ra các model đánh giá chất lượng trà và xác định nguồn gốc trà và cuối cùng thì sẽ xây dựng các công cụ để có thể chỉ cần quét mã vạch hoặc QR sản phẩm thì cũng có thể truy xuất thông tin về sản phẩm. Trong các hợp phần này, đề án tập trung vào việc xây dựng bộ dữ liệu phân tích hóa lý cho các vùng trà đặc trưng ở Việt Nam. Các thông tin từ đề án sẽ được lưu trữ một cách khoa học và sẽ phát triển thành là một kênh kiểm định độc lập để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc và giá trị sản phẩm trà mà họ quan tâm. Đối với doanh nghiệp, thông qua các dữ liệu đó họ sẽ có thêm một kênh thông tin tin cậy có tính khoa học cao để khẳng định giá trị thương hiệu và cải tiến sản phẩm của mình.

Hình 1. Sơ đồ các hợp phần nghiên cứu chính của đề án

Các sản phẩm trà sẽ được lấy mẫu, phân tích tại phòng thí nghiệm chuyên dụng cho ra các kết rồi từ đó các dữ liệu (data) sẽ được đưa vào hệ thống. Các thông tin về xuất xứ, chất lượng sản phẩm, thành phần hóa học được ghi nhận và phản hồi 2 chiều từ phía nhà sản xuất và người tiêu dùng, hạn chế việc buông lỏng chất lượng sau kiểm định của nhà sản xuất (Hình 2).

Hình 2. Chu trình sản phẩm từ nơi sản xuất tới kiểm tra xuất xứ

Người sử dụng thông tin (nhà sản xuất/khách hàng/nhà nghiên cứu) có thể dễ dàng tiếp cận thông tin (tùy theo cấp độ sử dụng sẽ có phân quyền phù hợp) thông qua thiết bị điện thoại thông minh (smartphone) hoặc trình duyệt web trên máy tính (Hình 3).

Hình 3. Người dùng sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) để kiểm tra thông tin sản phẩm

Call Now