BÁO CÁO BUỔI THAM QUAN VIỆN Y DƯỢC HỌC DÂN TỘC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Đây là lần thứ 2 trở lại với Viện. Lần đầu là khi tôi thực tập lấy chứng chỉ hành nghề y sĩ Y học cổ truyền. Vừa vui vừa háo hức như một niềm vui mới vì hình như lần trở lại này tôi ở một vai trò khác, một vị trí khác, một cách nhìn khác. Tôi giờ đây đang là sinh viên năm nhất, đang dấn thân trên con đường trở thành một người bác sĩ Y học cổ truyền thực sự. Những vốn kiến thức sẽ nhiều hơn, sâu hơn, phức tạp hơn. Suy nghĩ, cách nhìn cũng phải cẩn trọng và khiêm nhường hơn nên thực sự nếu quay lại Viện lần này, gặp lại những người bác sĩ, điều dưỡng đã từng biết mình trong vai trò là người y sĩ tôi cũng có phần … áp lực. Áp lực vì họ sẽ nhìn tối với con mắt khác, kỳ vọng, ngưỡng mộ, chờ đợi ở tôi nhiều hơn …

Tạm gác lại những cảm xúc đó, tôi vẫn háo hức đón chờ buổi tham quan.

Bước vào khuôn viên Viện, tôi luôn cảm thấy dễ chịu. Viện là một trong những bệnh viện tôi cảm thấy yêu thích vì có khuôn viên rộng, có những hàng cây xanh mát, có cảm giác nhẹ nhàng, thư giãn. Mọi thứ ở đây không có cảm giác xô bồ, vội vã. Gửi xe vào bãi, tôi thong thả từng bước chân để vừa cảm nhận lại như những ngày xưa đi thực tập, vừa để ra tập trung cùng với nhóm lớp và mọi người. Tôi định đến cúi chào nơi Y miếu, có thầy Hải Thượng Lãn Ông và thầy Tuệ Tĩnh nhưng không kịp vì phải tập trung ra chụp hình tập thể với lớp. Nên tôi thầm nghĩ, để tí về, mình ghé chào các thầy sau. Nhất định sẽ chào các thầy khi ra về!

Sau khi chụp hình xong, nhóm lớp chúng tôi có hơi lộn xộn một chút vì phải đi cất balo, không được mang lên cùng, chỉ được mang bút viết, sổ tay để ghi chép.

Sau khi ổn định được đội hình chúng tôi được tập trung vào trong hội trường để nghe thầy cô chia sẻ và hướng dẫn về buổi tham quan trải nghiệm. Cô TS. BS Trương Thị Ngọc Lan phó viện trưởng đã có những chia sẻ rất thực tế, thuyết phục về sự phát triển và hoạt động ngày càng đi lên của Viện, về việc Viện đã nỗ lực như thể nào để là 1 bệnh viện Y học cổ truyền nhưng có thể đạt tiêu chuẩn như 1 bệnh viện Tây y thực thụ, về việc con đường rộng và ngày càng mở rộng có ngành Y học cổ truyền nói chung và bác sĩ Y học cổ truyền nói riêng. Sau phần trình bày của cô Lan là phần chia sẻ của thầy GS. TS Nguyễn Văn Tập. Thầy luôn nhắc nhở chúng tôi việc học, nhắc nhở tác phong, nhắc nhở rèn luyện tâm đức qua từng việc nhỏ hằng ngày. Rồi đến phần cô ths. BS Dư Thị Cẩm Quỳnh đọc tên các nhóm và sắp xếp di chuyển, tôi cảm thấy mình như bé lại, như đứa trẻ đang được chăm sóc, dạy dỗ bởi các thầy cô. Và cô TS. BS Trương Thị Ngọc Lan lúc đó cũng có nói, thấy được sự chu đáo, cẩn thận, nhiệt tình của các thầy cô khi tổ chức cho các chúng tôi buổi tham quan này.

Bản thân tôi cũng cảm nhận được sự nổ lực, cố gắng, trách nhiệm của thầy và cô của chúng tôi từ lúc bước chân vào trường. Nhân bài cảm nhận này, tôi cũng xin gửi lời tri ân chân thành và sâu sắc nhất!

Rồi đến phần chính của chúng tôi – tham quan và trải nghiệm tại các khoa. Nhóm chúng tôi được sắp xếp về khoa Ung bướu. Tôi cũng tò mò, háo hức để hiểu và xem xem các bệnh nhân ung thư đang được điều trị tại đây như thế nào. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tuấn Anh đã chia sẻ cho chúng tôi về phương hướng điều trị tại Viện gọi là 4T. Nói đúng hơn là nơi đây hỗ trợ điều trị bệnh nhân ung thư sau khi phẫu thuật – hóa – xạ trị. Phương pháp này được bắt đầu từ năm 2002 đến nay:

T1: Tâm lý, tinh thần liệu pháp.

T2: Thực phẩm (chế độ ăn).

T3: Tập dưỡng sinh.

T4: Thuốc và các phương pháp điều trị không dùng thuốc.

Trong đó tâm lý, tinh thần là quan trọng nhất để bệnh nhân luôn bình an, vui tươi, ít lo lắng và thực sự vậy, tôi thấy không chỉ bác sĩ Tuấn Anh có tính cách cởi mở, dí dỏm, hài hước mà đội ngũ y – bác sĩ ở đây ai cũng nhiệt tình, vui vẻ, tích cực. Tôi thấy hình ảnh 1 chú bệnh nhân lớn tuổi đang được xoa bóp mà vui vẻ hồ hởi trò chuyện cùng anh bác sĩ và vợ. Tôi gặp và nói chuyện với cô Yến Nhi, 53 tuổi, bệnh nhân K vú đã phẫu thuật và đang điều trị di chứng hóa trị làm đau nhức toàn thân. Ở tuổi 53 nhưng nhìn cô như … 35 tuổi. Cô hồn nhiên, nghị lực, vui vẻ và kiên cường. Cô nói khi cô biết mình bị K vú, cô chỉ khóc có 2 phút rồi cô lại vui vẻ sống, chấp nhận đối mặt. Công việc của cô là làm bánh bán và cô chưa nghỉ ngày nào. Cô còn “tranh thủ” phát tờ rơi cho chúng tôi và đưa cho tôi 1 cái bánh cô làm ăn thử. Thật là đáng yêu quá! Thương cô, chỉ có thể chúc cô mạnh mẽ, mạnh khỏe và cảm ơn cô về chiếc bánh!

Còn về dưỡng sinh tập luyện, Viện là một trong số ít bệnh viện có câu lạc bộ Yoga, dưỡng sinh. Tôi đã nghe nói nhiều về câu lạc bộ này và hiệu quả tuyệt vời ngoài sự tưởng tượng của nó. Nay tôi thấy câu lạc bộ ấy rồi, nghe được giọng hô hít thở đầy nội lực của chị điều dưỡng hướng dẫn, tôi thấy vui và tuyệt vời quá! Tôi chỉ kịp chụp vội 1 tấm hình để làm báo cáo vì sợ ảnh hưởng đến các cô chú đang tập luyện.

Tôi cũng có thấy những bệnh nhân còn mang nhiều đau đớn, chán nản và bi quan. Có ai muốn mình mang bệnh tật. Có khi bệnh tật đột ngột ập tới. Chỉ mong là sau này mình đủ tâm đủ sức để giúp đỡ họ vượt qua cơn bệnh tật.

Mong những cảm xúc lẫn lộn trong lòng khi gặp các cô chú bệnh nhân, tôi cùng các bạn kết thúc buổi sáng tham quan. Tôi dạo quanh vài vòng, ngắm nhìn lại hàng cây, tượng đá sao có đỗi thân quen. Tôi đọc bức tường nơi chính diện Viện, nơi có thông tin về thầy Tuệ Tĩnh, về thầy Hải Thượng Lãn Ông, thấy nhắc đến các tác phẩm của thầy như Nam Dược thần hiệu, Hồng nghĩa Giác Tư Y thư của thầy Tuệ Tĩnh hay Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh của thầy Lãn Ông mà chúng tôi đã được học trong môn “Tác phẩm Kinh điển Y học cổ truyền”.

Ra về, cúi chào các thầy tổ, tôi tự hứa với lòng sẽ trở thành một người bác sĩ Y học cổ truyền giỏi và có ích.

Sinh viên: Đặng Khánh Vân

Lớp: 24DYC1A

Call Now