• Trang chủ /
  • Tin tức
  • / BUỔI DẠY MÔN HỌC THỰC VẬT DƯỢC – THỰC HÀNH ĐẦU TIÊN CHO SINH VIÊN NGÀNH Y HỌC CỔ TRUYỀN – TS. DS THÁI THỊ CẨM

BUỔI DẠY MÔN HỌC THỰC VẬT DƯỢC – THỰC HÀNH ĐẦU TIÊN CHO SINH VIÊN NGÀNH Y HỌC CỔ TRUYỀN – TS. DS THÁI THỊ CẨM

Việc giảng dạy môn Thực vật dược – Thực hành cho sinh viên bác sĩ Y học cổ truyền là một trải nghiệm vừa sâu sắc vừa truyền cảm hứng. Đó không chỉ là quá trình truyền đạt kiến thức về Thực vật và cách nhận diện, phân biệt, mà còn là hành trình đưa sinh viên trở lại với cội nguồn của y học phương Đông – nơi cây cỏ trở thành phương thuốc, nơi tự nhiên và con người hòa làm một.

Cảm xúc lớn nhất có lẽ là niềm tự hào khi thấy sinh viên bắt đầu biết trân trọng giá trị của từng chiếc lá, từng rễ cây – những gì tưởng như bình thường nhưng lại mang trong mình công năng chữa bệnh kỳ diệu. Có lúc là sự tò mò thích thú khi các em lần đầu nhận diện đúng một loại dược liệu trên thực địa, cũng có khi là sự xúc động khi thấy các em liên hệ được bài học với trải nghiệm cá nhân hay câu chuyện dân gian truyền lại.

Cô TS. DS Thái Thị Cẩm cùng Thầy GS. TS Nguyễn Văn Tập và Cô ThS. BS Dư Thị Cẩm Quỳnh cùng với sinh viên

trong buổi học Thực vật dược – Thực hành đầu tiên

Ngoài ra, giảng dạy thực hành còn là cơ hội để mình rèn luyện khả năng quan sát tinh tế, khơi gợi sự khám phá và tư duy khoa học nơi sinh viên. Đó là sự tương tác sống động, thầy và trò cùng nhau quan sát cấu tạo vi phẫu thực vật trên kính hiển vi cũng như phân tích hoa và các họ thực vật nhưng lại để lại dấu ấn rất thật và bền vững.

Buổi học đầu tiên xoay quanh các nội dung thực hành cơ bản nhưng rất quan trọng: cách sử dụng kính hiển vi, quan sát tế bào vảy của hành tây, hành ta, ớt; cấu trúc biểu bì lá dừa cạn; và tiến hành nhuộm vi phẫu và quan sát vi phẫu rễ cây dừa cạn dưới kính hiển vi. Mục tiêu không chỉ dừng lại ở việc nhận diện các đặc điểm hình thái – mà còn giúp sinh viên làm quen với quy trình thực hành: từ khâu lấy mẫu, chuẩn bị tiêu bản, nhuộm, soi mẫu bằng kính hiển vi mô tả hình ảnh và vẽ sơ đồ vi phẫu thực vật.

Cô TS. DS Thái Thị Cẩm đang hướng dẫn bài thực hành Thực vật dược đầu tiên cho sinh viên

Trước buổi học, tôi cùng các giảng viên hỗ trợ chuẩn bị mẫu vật tươi và kính hiển vi thật cẩn thận. Khi bắt đầu, tôi cảm nhận được sự tò mò, háo hức của sinh viên năm nhất – nhiều em lần đầu tiên được quan sát thế giới vi mô kỳ diệu của thực vật. Những phản ứng đầy thích thú khi thấy rõ tế bào hình chữ nhật, nhân tế bào, mô dẫn hay cấu trúc mô rễ dừa cạn là minh chứng cho hiệu quả của việc học đi đôi với thực hành. Tôi nhận ra rằng: dù kiến thức có sâu rộng đến đâu, thì cũng cần được truyền tải bằng hình ảnh trực quan, trải nghiệm thực tế – đó mới là cách để sinh viên thực sự ghi nhớ và yêu thích môn học.

Dĩ nhiên, không tránh khỏi một vài khó khăn nhỏ: có sinh viên chưa quen sử dụng kính hiển vi và thao tác cắt nhuộm vi phẫu. Nhưng chính những va vấp ban đầu ấy lại tạo ra cơ hội để thầy – trò cùng nhau trao đổi, điều chỉnh và học hỏi. Tôi cảm thấy may mắn khi được tiếp xúc với một thế hệ sinh viên trẻ trung, ham học, và đầy năng lượng. Đó cũng là động lực để tôi tiếp tục hoàn thiện bản thân trên cương vị mới.

Buổi dạy đầu tiên tại Khoa không chỉ là khởi đầu của một môn học, mà còn là dấu mốc quan trọng trong hành trình làm nghề của tôi đối với sinh viên ngành Bác sĩ YHCT. Tôi tin rằng, với sự đồng hành từ tập thể Khoa/Bộ môn và tinh thần cầu tiến của sinh viên, những giờ thực hành tới sẽ tiếp tục là những trải nghiệm quý giá, nuôi dưỡng tình yêu với Thực vật dược – nền tảng thiết yếu trong Y học cổ truyền.

Cô TS. DS Thái Thị Cẩm và Thầy TS. BS Thang Kim Sang chụp hình cùng sinh viên

Thầy GS. TS Nguyễn Văn Tập chụp hình cùng sinh viên

Môn Thực vật dược – Thực hành, ngành Y học cổ truyền, Khoa Y học cổ truyền – Quản lý y tế, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

TS. DS Thái Thị Cẩm

Call Now