GIỚI THIỆU MÔN HỌC: THỰC VẬT DƯỢC – THỰC HÀNH, NGÀNH Y HỌC CỔ TRUYỀN, TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGUYỄN TẤT THÀNH

Trong chương trình đào tạo ngành Y học cổ truyền tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, môn Thực vật dược – Thực hành đóng vai trò là một trong những học phần cơ sở quan trọng, giúp sinh viên năm nhất bước đầu tiếp cận với kho tàng tri thức phong phú và tinh hoa của y học phương Đông. Đây là môn học không chỉ cung cấp kiến thức về các loài cây thuốc mà còn góp phần rèn luyện tư duy khoa học, khả năng quan sát, và kỹ năng thực hành cần thiết cho bác sĩ Y học cổ truyền trong tương lai

Giảng viên bộ môn Thực vật dược hướng dẫn thực hành cho sinh viên

Mục tiêu học phần

Mục tiêu của môn Thực vật dược – Thực hành là giúp sinh viên:

  • Nhận biết và phân loại được các loài thực vật thông qua hình thái bên ngoài như thân, lá, hoa, quả, rễ,…

  • Hiểu được các đặc điểm sinh thái, môi trường sống và điều kiện phát triển của các loài cây thuốc phổ biến tại Việt Nam. Nhận biết được đặc điểm của 30 họ cây thuốc thường sử dụng trong Y học cổ truyền.

  • Rèn luyện kỹ năng sử dụng kính hiển vi để quan sát vi cấu trúc của mô thực vật, thực hành làm tiêu bản thực vật và nhuộm mẫu vật đúng kỹ thuật.

  • Ghi nhớ mối liên hệ giữa tên gọi khoa học – tên thường dùng – bộ phận dùng – công dụng của dược liệu. Vận dụng tra cứu tài liệu tham khảo chuyên ngành.

  • Tăng cường ý thức bảo tồn, đa dạng, phát triển và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam.

Nội dung thực hành

Trong suốt học phần, sinh viên sẽ được tham gia các buổi học thực hành sinh động, kết hợp giữa lý thuyết ngắn gọn và quan sát trực tiếp. Một số nội dung điển hình bao gồm:

  • Quan sát hình thái và cấu tạo của các bộ phận thực vật như rễ, thân, lá, hoa, quả.

  •  Làm quen với kính hiển vi, thực hành kỹ thuật nhuộm mẫu vật và phân tích mô dược liệu.
  • Thực hành nhận diện các cây thuốc phổ biến.

  • Ép mẫu thực vật dược cá nhân với hình ảnh, đặc điểm nhận diện, công dụng và ứng dụng thực tiễn của từng loại cây thuốc.

Giảng viên hướng dẫn sinh viên làm tiêu bản và quan sát tiêu bản dưới kính hiển vi

Sinh viên quan sát mẫu vị thuốc Y học cổ truyền

Vai trò của học phần trong chương trình đào tạo

Môn học này là bước đệm vững chắc để sinh viên học tốt các môn học tiếp theo như: Thực vật dược – Y học cổ truyền, Thuốc Y học cổ truyền, Chế biến dược liệu, Phương tễ,… Đồng thời, đây còn là môn học giúp sinh viên hình thành thói quen làm việc tỉ mỉ, quan sát có hệ thống, nâng cao kỹ năng làm việc nhóm và trình bày báo cáo.

Đặc biệt, với vai trò là bác sĩ chuyên ngành Y học cổ truyền trong tương lai, việc nhận biết đúng cây thuốc, hiểu rõ công dụng và cách sử dụng dược liệu là điều bắt buộc. Việc học tốt môn Thực vật dược – Thực hành sẽ góp phần giúp sinh viên tránh được những nhầm lẫn nguy hiểm giữa các dược liệu tương tự, đồng thời góp phần vào việc bảo tồn tri thức và nguồn tài nguyên Y học cổ truyền của Việt Nam.

Môn Thực vật dược – Thực hành không chỉ là một học phần kỹ năng, mà còn là cầu nối giữa kiến thức cổ truyền và ứng dụng thực tiễn, giữa lý thuyết trên giảng đường và thiên nhiên phong phú ngoài thực tế. Thông qua môn học này, sinh viên ngành Y học cổ truyền sẽ thêm yêu quý, trân trọng giá trị của cây thuốc Việt, đồng thời nâng cao năng lực chuyên môn để phục vụ cộng đồng một cách hiệu quả và bền vững.

Sinh viên trong tiết học Thực vật dược – Thực hành

Call Now