Thư bày tỏ lòng biết ơn thầy cô giảng dạy học phần “Tác phẩm kinh điển Y học cổ truyền” – Khởi đầu chặng đường hành nghề Y

Kính gửi: Quý Thầy Cô ngành Y học cổ truyền, khoa Y học cổ truyền – Quản lý Y tế, trường Đại học Nguyễn Tất Thành

Em xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và sự kính trọng chân thành đến Quý Thầy Cô đã tận tâm giảng dạy, truyền đạt những tinh hoa quý báu của Y học cổ truyền trong học kỳ vừa qua. Đặc biệt, em vô cùng trân quý việc nhà trường đã đưa học phần Tác phẩm kinh điển Y học cổ truyền vào chương trình học, giúp chúng em có cơ hội tiếp cận, nghiên cứu những trước tác vĩ đại như Hoàng Đế Nội Kinh, Thương Hàn Luận, Kim Quỹ Yếu Lược,… của các danh y Trung Quốc, cũng như những di sản quý giá của các danh y Việt Nam như Nam Dược Thần Hiệu của Thiền sư Tuệ Tĩnh, Hải Thượng y tông tâm lĩnh của Y tổ Hải Thượng Lãn Ông,…

Những gì em học được không chỉ là kiến thức mà còn là bài học về nhân cách và lý tưởng cao đẹp của những bậc tiền nhân. Các danh y đã sống trong thời kỳ đầy biến động, khi dịch bệnh hoành hành, nhân dân lầm than, nhưng không màng danh lợi riêng tư mà dốc lòng nghiên cứu, lưu truyền những phương pháp trị bệnh nhằm cứu giúp muôn dân. Các bậc y tổ không chỉ ghi chép, kế thừa mà còn lặn lội sưu tầm, thử nghiệm, rồi biên soạn thành những tác phẩm kinh điển để hậu thế noi theo. Chính tinh thần ấy đã hun đúc nên một nền Y học cổ truyền Việt Nam giàu bản sắc và nhân văn, khiến chúng em càng thêm tự hào và có trách nhiệm kế thừa, phát huy.

Trước hết, em xin bày tỏ lòng kính trọng đến Thầy GS. Nguyễn Văn Tập – Trưởng khoa đã dành thời gian trao đổi về định hướng chung về phương pháp học tập lý thuyết, thực hành ở trường ở bệnh viện. Đồng thời Thầy đã động viên, tạo động lực cho em và các bạn quyết tâm học tập, rèn luyện đạo đức, trau dồi kĩ năng mềm, để cả lớp cùng đồng thanh “Quyết tâm trở thành bác sĩ Y học cổ truyền”.

Thầy GS. Nguyễn Văn Tập – Trưởng khoa đang động viên, tạo động lực cho các bạn sinh viên

Em cũng xin gửi lời tri ân chân thành đến Cô TS. Phạm Thị Bạch Yến, người đã giảng dạy cho chúng em những nền tảng cốt lõi của Y học cổ truyền – học thuyết Âm Dương và Ngũ Hành. Dưới sự dẫn dắt của cô, những khái niệm tưởng chừng trừu tượng đã trở nên gần gũi, thực tiễn và có thể ứng dụng trong đời sống. Một trong những minh họa sâu sắc nhất mà em tâm đắc chính là mối quan hệ giữa Yêu thươngTrí tuệ. Hai yếu tố tưởng chừng đối lập nhưng thực chất là một cặp Âm Dương, tương hỗ và cùng phát triển. Khi có trí tuệ, ta sẽ biết yêu thương bản thân và những người xung quanh, ngược lại, chính tình yêu thương cũng là biểu hiện của trí tuệ trưởng thành. Không chỉ là một giảng viên tận tâm, cô còn như một người mẹ hiền, luôn nhắc nhở chúng em: “Việc học như con thuyền trôi trên dòng nước ngược, không tiến ắt sẽ lùi.” Những lời dạy ấy đã trở thành động lực để chúng em không ngừng nỗ lực vươn lên.

Cô TS. Phạm Thị Bạch Yến đang giảng dạy cho sinh viên

Bên cạnh đó, em xin bày tỏ lòng kính trọng đến Cô TS. Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, người đã truyền cho chúng em ngọn lửa đam mê và niềm tự hào đối với nền Y học cổ truyền Việt Nam – một di sản quý báu đã được hun đúc suốt hơn 4000 năm lịch sử. Nhờ cô, chúng em không chỉ hiểu sâu hơn về giá trị của Y học cổ truyền mà còn nhận thức được tầm quan trọng của lĩnh vực này trong bối cảnh đất nước đang không ngừng phát triển, hội nhập. Những định hướng, thông tin quý báu cô chia sẻ giúp chúng em sớm hình dung được con đường phía trước, chuẩn bị hành trang vững chắc để bước vào thời đại mới – thời đại của công nghệ số với đầy thách thức nhưng cũng rất nhiều cơ hội.

 

Cô TS. Trương Thị Ngọc Lan chụp hình kỷ niệm với lớp

Em cũng xin gửi lời cảm ơn đến toàn thể Thầy Cô trong Khoa Y học cổ truyền – Quản lý Y tế đã xây dựng chương trình học vô cùng ý nghĩa và thiết thực. Nhờ đó, ngay từ năm nhất, chúng em đã có cái nhìn tổng thể về ngành nghề mà mình theo đuổi, từ lịch sử hào hùng của Y học cổ truyền cho đến những chính sách, nghị quyết của Chính phủ về lĩnh vực này trong thời gian tới. Đặc biệt, hai cô ThS. Cẩm Quỳnh và cô ThS. Minh Như đã tận tâm hướng dẫn, giúp chúng em từng bước khám phá những nguyên lý quan trọng như Âm Dương, Ngũ Hành, Kinh Lạc, Ngũ Tạng, Lục Phủ, Kinh Lạc, Cơ chế sinh bệnh, Phương pháp chẩn đoán (Vọng – Văn – Vấn – Thiết) và Phương pháp điều trị (Châm cứu, Bấm huyệt, Dược liệu…). Những kiến thức nền tảng này chính là kim chỉ nam để chúng em tiếp tục đào sâu, kết hợp với Y học hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả trong chẩn đoán và điều trị.

Qua tất cả những gì đã học, em càng thêm trân trọng sự định hướng đúng đắn của Khoa và Nhà trường – nơi không chỉ truyền đạt tri thức mà còn nuôi dưỡng đạo đức, lý tưởng cho những người làm nghề y. Em thật sự hạnh phúc khi đã lựa chọn học tập tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, nơi mà tinh thần “Thực học – Thực hành – Thực danh – Thực nghiệp” được thể hiện rõ ràng qua từng bài giảng, từng lời dạy bảo của Thầy Cô.

Một lần nữa, em xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc đến Quý Thầy Cô. Xin kính chúc Thầy Cô dồi dào sức khỏe, luôn giữ vững tâm huyết để tiếp tục truyền lửa và dẫn dắt các thế hệ sinh viên trên con đường học tập và hành nghề Y học cổ truyền.

Trân trọng,
Sinh viên Nguyễn Thanh Tùng, lớp 24DYC1A.

Call Now